Samsung Electronics đang thúc đẩy kế hoạch di dời hoạt động sản xuất điện thoại thông minh ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các thị trường khác như Ấn Độ. Động thái này được cho là nhằm giảm thiểu rủi ro từ các chính sách áp thuế mới có thể được áp dụng trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Donald Trump.
Theo các nguồn tin trong ngành, Samsung hiện đang tìm kiếm đối tác mới cho mô hình sản xuất JDM (Joint Development Manufacturing), thay thế các công ty Trung Quốc bằng những đối tác bên ngoài. Mục tiêu là chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Ấn Độ đang được xem xét như một lựa chọn tiềm năng. Một nguồn tin cho biết, Samsung đã bắt đầu đánh giá năng lực sản xuất và công nghệ của các công ty này, dù kế hoạch vẫn đang trong giai đoạn đầu.
JDM là mô hình mà Samsung cùng đối tác phối hợp phát triển sản phẩm, trong khi việc sản xuất được giao cho các nhà máy bên ngoài. Khác với ODM (Original Design Manufacturing) – nơi toàn bộ quy trình từ thiết kế đến sản xuất đều do nhà cung ứng đảm nhận – JDM giúp Samsung duy trì được chất lượng sản phẩm đồng thời tối ưu chi phí. Khoảng 20% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung hiện nay được sản xuất theo hình thức này, chủ yếu do các công ty Trung Quốc như Wingtech, Huaqin và Longchier đảm nhiệm.
Việc chuyển dịch sản xuất được cho là nhằm đối phó với các rủi ro về thuế quan từ Mỹ. Gần đây, chính quyền Trump đã áp dụng mức thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc, lần đầu tiên áp dụng cho điện thoại thông minh. Việc tăng chi phí sản xuất có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, buộc Samsung phải tìm phương án thay thế.
Sự thay đổi này không chỉ giới hạn ở Samsung. Wingtech, một trong những nhà sản xuất điện thoại theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, cũng đã bán mảng kinh doanh smartphone cho Luxshare để tập trung vào bán dẫn. Luxshare sau đó đã đầu tư mạnh vào các nhà máy ở Việt Nam nhằm tránh rủi ro thuế quan.
Samsung cũng đang cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất tại Ấn Độ để phân tán rủi ro, khi Việt Nam cũng được dự đoán có thể bị áp thuế trong tương lai. Với sự biến động trong chính sách thương mại toàn cầu, Samsung buộc phải linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung ứng để duy trì lợi thế cạnh tranh và đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.