Là hãng điện thoại hàng đầu trên toàn cầu, rõ ràng Samsung có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Các hãng điện thoại Trung Quốc luôn cố gắng đánh cắp thị phần của họ.
Không dừng lại ở đó, họ còn muốn đánh cắp cả ánh hào quang của Samsung. Ở chiều ngược lại, gã khổng lồ Hàn Quốc đã tăng cường làm tiếp thị để nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Trong quá khứ, Apple đã phải đối mặt với một vài quảng cáo táo bạo và thậm chí đôi lúc gây tranh cãi đến từ Samsung.
Ví dụ: chiến dịch quảng cáo “Next Big Thing” đã được thực thi tốt đến nỗi khiến Apple nổi giận. Giám đốc tiếp thị Phil Schiller của Apple đã hỏi nhóm của mình qua email “Liệu Apple đã thua trước Samsung?” và bảo rằng “Chúng ta cần phải làm gì đó để xoay chuyển tình thế.” Công ti thậm chí còn cân nhắc việc thay đổi đại lí quảng cáo để tạo ra phản ứng hiệu quả với chiến dịch tiếp thị của Samsung.
Ngày nay, gã khổng lồ Hàn Quốc đang ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Với việc Apple không còn quan tâm đến đổi mới nữa và Samsung đang dẫn đầu cuộc cách mạng điện thoại màn hình gập, mối lo lớn nhất của họ hiện nay đến từ các công ti đang đe dọa nguồn thu chính của họ.
Điện thoại Samsung luôn có mặt trong top những mẫu điện thoại giá rẻ và tầm trung bán chạy nhất. Đây chính là lí do chính giúp Samsung chiếm thị phần nhiều nhất trong thị trường điện thoại thông minh. Các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, OPPO, vivo,… đã tích cực nhắm vào phân khúc này nhằm lật ngược tình thế.
Đã có lúc, ngôi vương của Samsung xém bị giành lấy. HUAWEI đã nhanh chóng chiếm được thị phần ở những khu vực quan trọng. Họ thậm chí còn định ra mắt điện thoại tại Mĩ – một thị trường lớn luôn nằm ngoài tầm với của họ. Tuy nhiên, chính phủ Mĩ đã liệt họ vào danh sách đen. Và từ đó, HUAWEI dần dần sa sút.
Sự sụp đổ của HUAWEI khiến các hãng điện thoại Trung Quốc khác hi vọng có thể thay thế HUAWEI và đe dọa Samsung. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra suôn sẻ cho lắm. Các công ti này đang bận cạnh tranh với nhau hơn là khiến Samsung đau đầu.
Một trong những phương pháp mà hầu hết các hãng điện thoại Trung Quốc sử dụng để đạt được mục đích là ra mắt các thiết bị có giá rất cạnh tranh và thường xuyên tung ra những tính năng khá thừa thãi. Tốc độ sạc là một trong số đó.
Các công ti này không thể phát triển đến quy mô có thể đe dọa Samsung nếu cứ tiếp tục tranh giành thị phần của nhau như vậy. Tuy họ có tìm thấy cơ hội tăng trưởng ở một vài thị trường nhưng vẫn không có bước nhảy vọt đáng kể nào.
Có một vài lí do đằng sau việc này. Do địa chính trị, tâm lí bài trừ Trung Quốc ở phương Tây cùng với những hậu quả để lại sau sự sụp đổ của HUAWEI, đơn giản là không còn cơ hội nào dành cho họ nữa. Hoa Kì – một trong những thị trường điện thoại thông minh sinh lợi nhất – tiếp tục nằm ngoài tầm với của họ.
Một thực tế khác đó là cuộc chạy đua thông số kĩ thuật đã dần nguội tàn. Ngày nay, có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến quyết định mua điện thoại của người tiêu dùng bên cạnh các con số. Sự bất ổn về kinh tế do đại dịch đã khiến mọi người giữ điện thoại của họ lâu hơn.
Hơn bao giờ hết, danh tiếng thương hiệu, cộng đồng và dịch vụ chăm sóc khách hàng trở thành những cân nhắc chính đối với người tiêu dùng. Samsung làm tốt tất thảy những điều này. Và hiện không có công ti Trung Quốc có cả ba.
Đó là một trong những lí do tại sao Samsung không cần phải lo lắng quá nhiều đến các hãng điện thoại này. Tuy nhiên, gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn phải để mắt đến họ vì họ luôn có các mánh khóe sau lưng.
Đã có nhiều bên cho rằng một số hãng điện thoại Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Đó là lí do tại sao điện thoại của họ lại rẻ đến vậy.
Điều đó tuy có thể giúp giành lấy thị phần điện thoại từ tay Samsung, dịch vụ hậu mãi kém khiến cho việc duy trì thị phần luôn là một thách thức lớn.
Đừng chỉ mua một chiếc điện thoại bởi vì máy đó rẻ nhất! Hãy mua một thiết bị có giá cạnh tranh, dịch vụ hậu mãi tốt và một cộng đồng người dùng tận tâm, đông đúc.