Với Galaxy A52, Samsung đã nâng tầm trải nghiệm của những chiếc điện thoại Galaxy A lên một tầm cao mới. Điều đó thể hiện ngay từ bảng thông số cấu hình của Galaxy A52. Chiếc máy này được trang bị rất nhiều tính năng cao cấp như: loa kép, chứng chỉ IP67, màn hình 90Hz,…
Ngoài ra, Galaxy A52 còn đi kèm với bộ vi xử lý Snapdragon mới ở mọi thị trường, pin lớn hơn, và công nghệ sạc nhanh 25W. Cuối cùng, không thể kể đến việc chiếc điện thoại này sẽ nhận được ba bản cập nhật hệ điều hành lớn. Với tất cả những tính năng trên, Galaxy A52 dễ dàng trở thành một trong những bản nâng cấp lớn nhất mà Samsung đã từng làm cho dòng Galaxy A.
Nhưng liệu những tính năng trên có được kết hợp hài hòa để đem lại một trải nghiệm sử dụng tuyệt vời cho người dùng hay không? Hay đó chỉ là một mánh khóe tiếp thị? Hãy cùng SamCafe tìm hiểu trong bài viết này.
Đánh giá thiết kế của Galaxy A52
Bạn có thể dễ dàng nhận ra Galaxy A52 là một bản nâng cấp lớn so với thế hệ tiền nhiệm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy mặt trước của máy vẫn là một màn hình tràn viền “đục lỗ” quen thuộc, toàn bộ thiết kế mặt sau đã được làm mới hoàn toàn.
Tất cả các hiệu ứng chuyển màu giờ đã được thay thế bằng một vẻ đẹp tối giản nhưng sang trọng. Kiểu thiết kế mới này được Samsung áp dụng cho toàn bộ sản phẩm dòng Galaxy A trong năm 2021. Và hầu hết mọi người điều thích kiểu thiết kế này.
Galaxy A52 có một mặt lưng được hoàn thiện nhám mờ như những dòng sản phẩm cao cấp của Samsung.
Mặt sau của Galaxy A52 được hoàn thiện nhám mờ. Điều này làm cho chiếc máy trông cao cấp hơn nhiều so với Galaxy A50 và A51. Nhưng mặt sau và hai bên vẫn được làm bằng nhựa.
Không chỉ có kiểu dáng, Samsung còn tập trung vào việc cải thiện độ bền của điện thoại. Giờ đây, Galaxy A52 đã có khả năng kháng bụi và nước đạt tiêu chuẩn IP67. Tuy đây không phải là tiêu chuẩn cao nhất, nhưng trong tầm giá của Galaxy A52, thực sự rất khó dể tìm thấy một chiếc điện thoại khác có khả năng này.
Nhờ được trang bị màn hình có kích thước 6,5″, Galaxy A52 có không gian hiển thị đủ rộng nhưng vẫn nó thoải mái cầm trong lòng bàn tay. Trọng lượng của máy cũng chỉ có 189g. Nếu so sánh với Galaxy A51, bạn sẽ nhận thấy A52 nặng hơn. Nhưng đây là một điều hiển nhiên khi Galaxy A52 có một viên pin lớn hơn so với thế hệ trước.
Đánh giá màn hình của Galaxy A52
Tốc độ làm tươi 90Hz trên Galaxy A52 cho một trải nghiệm gần cao cấp như những chiếc điện thoại flagship mà Samsung đang bán. Tất cả một phần là nhờ vi xử lý Snapdragon 720G đủ sức mạnh để có thể gánh một màn hình có tốc độ làm tươi cao như này. Do đó, hầu hết hoạt cảnh diễn ra trên màn hình của Galaxy A52 điều diễn ra mượt mà và trơn tru.
Galaxy A52 sẽ cho bạn một trải nghiệm hình ảnh tuyệt vời với tấm nền AMOLED.
Ngoài ra, chúng tôi nghĩ 90Hz là một con số phù hợp để tạo ra sự cân bằng giữa trải nghiệm sử dụng và thời lượng pin. Hơn nữa, hầu hết mọi người không thể phân biệt được sự khác biệt giữa 90Hz và 120Hz.
Ngay cả khi bạn không bật tốc độ làm tươi cao, Galaxy A52 vẫn mang đến một nghiệm tuyệt vời. Màn hình AMOLED của máy có màu sắc sống động, màu đen sâu, và góc nhìn rộng. Độ sáng tối đa của màn hình này lên đến 800 nits, giúp bạn có thể sử dụng điện thoại ngay cả dưới ánh nắng gay gắt. Cuối cùng, mặt trước của máy được làm từ kính Gorilla Glass 5 chứ không phải Gorilla Glass 3 lỗi thời trên Galaxy A51.
Cảm biến vân tay dưới màn hình cũng rất tuyệt vời. Nó có tốc độ nhận diện nhanh và tỉ lệ nhận nhầm vân tay thấp. Ngoài ra, bạn cũng có thể mở khóa điện thoại bằng khuôn mặt, nhưng cách này không được đáng tin cậy như cảm biến vân tay.
Đánh giá camera của Galaxy A52
Galaxy A52 có bốn camera sau: camera chính 64MP có tính năng OIS (ổn định hình ảnh quang học), camera góc siêu rộng 12MP, camera đo độ sâu trường ảnh 5MP, và camera macro 5MP.
Hãy bắt đầu với camera macro trước. Nó vẫn khá vô dụng như bao camera macro trên các điện thoại Galaxy khác. Với chỉ 5MP và không có tính năng lấy nét tự động, những bức ảnh mà bạn nhận được đều có màu sắc nhạt hòa và thiếu chi tiết. Đó là chưa kể đến sự khó khăn khi bạn lấy nét vật thể trong khi chụp.
Nếu cố gắng, bạn vẫn sẽ có những bức ảnh có thể dùng được. Nói chung, công dụng cuối cùng của camera macro cõ lẽ chỉ là làm đẹp bảng thông số.
Camera chính 64MP cực kỳ tuyệt vời đối với một chiếc điện thoại tầm trung.
Trong khi đó, camera chính 64MP của Galaxy A52 lại cực kỳ tuyệt vời. Nhờ công nghệ OIS, những bức ảnh và thước phim bị mờ nhòe giờ đã là dĩ vãng.
Trong điều kiện ánh sáng ban ngày, các bức ảnh cho ra rất giàu chi tiết và có dải tương phản động tốt. Mặt khác, khả năng tái tạo màu đôi khi lại có vấn đề, khiến những bức hình cho ra có màu sắc không đúng với thực tế. Trong điều kiện thiếu sáng, các bức ảnh cho ra cũng khá tốt, ngay cả khi bạn không dùng Chế độ ban đêm.
Vì một lý do nào đó mà trong điều kiện thiếu sáng, các bức ảnh được chụp với chế độ mặc định lại tốt hơn khi chụp với Chế độ ban đêm.
Cụ thể hơn, Chế độ ban đêm không làm sáng đủ các vùng tối, nhưng khả năng giảm nhiễu khá là tốt. Nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc độ chi tiết trong các vùng tối bị giảm. Theo tôi, chế độ mặc định có năng xử lý tốt trong điều kiện thì quả là một điều tuyệt vời. Người dùng sẽ không cần phải chuyển qua chuyển lại giữa các chế độ nữa. Từ đó, trải nghiệm chụp ảnh cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Nhưng nói gì thì nói, Chế độ ban đêm không tốt vẫn là một điểm trừ. Nếu như bạn muốn có những bức ảnh tốt hơn nữa trong điều kiện thiếu sáng, bạn có thể sử dụng Chế độ chuyên nghiệp để điều chỉnh thủ công tốc độ màn trập và ISO.
Dưới đây là một ví dụ điển hình cho thấy Chế độ ban đêm tệ như thế nào:
Camera góc siêu rộng hoạt động rất tốt trong điều kiện đủ sáng, nhưng đôi khi ảnh cho ra bị thiếu chi tiết.
Camera đo độ sâu trường ảnh của máy giúp tạo hiệu ứng bokeh ấn tượng khi chụp bằng Chế độ chân dung. Nhưng nếu như viền chủ thể quá phức tạp, ví dụ như ngọn tóc, thì máy sẽ xóa lem vào chủ thể luôn. Mặc dù vậy, chúng ta không nên quá xét đoán chuyện này, vì ngay cả những chiếc điện thoại cao cấp hiện nay cũng gặp vấn đề này.
Những bức ảnh chụp từ camera selfie của máy đủ sáng và có độ sắc nét cao. Tuy vậy, việc những bức ảnh vẫn bị thiếu chi tiết khi chụp trong điều kiện thiếu sáng. Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách dùng màn hình như đèn flash.
Ngoài ra, Galaxy A52 còn là chiếc điện thoại đầu tiên có Chế độ vui nhộn. Về cơ bản, chế độ này cung cấp cho bạn một số bộ lọc và hiệu ứng Snapchat. Các bộ lọc và hiệu ứng cũng được cập nhật thường xuyên, hứa hẹn mang đến cho bạn nhiều lựa chọn hơn trong tương lai.
Galaxy A52 cũng là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên thuộc dòng Galaxy A được trang bị Chế độ quay video chuyên nghiệp. Bạn có thể quay video với độ phân giải lên đến 4K khi dùng chế độ này. Mặc dù vậy, 60fps chỉ khả dụng với độ phân giải từ Full HD trở xuống.
Các tính năng chụp ảnh và quay video cơ bản khác máy cũng có đủ, chẳng hạn như Chuyển động chậm, Chuyển động siêu chậm, Toàn cảnh, Thức ăn, AR Doodle, Tua nhanh, và Chụp một chạm,…
Đánh giá phần mềm của Galaxy A52
Galaxy A52 được cài sẵn One UI 3.1 trên nền Android 11 ngay từ khi bán ra. Máy có hầu hết các tính năng mà chúng ta yêu thích trong các dòng điện thoại cao cấp của Samsung, chẳng hạn như Bixby Routine, Google Discover, Quay màn hình, Thư mục bảo mật, Samsung Pay, Màn hình cạnh, AOD,…
Galaxy A52 có hầu hết các tính năng của dòng Galaxy cao cấp.
Có lẽ tính năng hữu ích nhất mà Samsung không trang bị cho Galaxy A52 là thêm hiệu ứng khi gọi video. Về cơ bản, khi bạn gọi video bằng các ứng dụng phổ biến như Microsoft Teams, Zoom, và Google Duo, tính năng này sẽ làm mờ hậu cảnh. Chúng tôi vẫn không rõ vì sao Galaxy A52 lại không được trang bị tính năng cực kỳ hữu ích này.
Và hơn hết, Galaxy A52 sẽ được nhận đến ba bản cập nhật hệ điều hành lớn và bốn năm cập nhật bảo mật tương tự như những dòng flagship cao cấp của Samsung. Đây thực sự là một điểm cộng lớn, bởi vì hầu hết các điện thoại khác trong tầm giá chỉ thường được nhận hai bản cập nhật hệ điều hành, thành chí là ít hơn.
Đánh giá hiệu năng của Galaxy A52
Snapdragon 720G chắc chắn không phải là vi xử lý mạnh nhất mà bạn nhận được trong tầm giá này, nhưng nó vẫn đủ sức để mang đến một trải nghiệm sử dụng mượt mà và nhanh chóng. Đây là một sự nâng cấp rất lớn từ Exynos 9611 trên Galaxy A51.
Hiệu năng chơi game của máy cũng rất ổn. Với các tựa game như Asphalt 9 và Call of Duty, máy có thể chạy mượt mà trong thời gian dài mà không bị nóng lên quá nhiều. Tuy nhiên, tôi không thấy tùy chọn chơi ở tốc độ 60fps trên Asphalt 9. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không phát huy được tác dụng của màn hình có tần số quét cao khi chơi game.
Đánh giá thời lượng pin của Galaxy A52
Cuối cùng thì dòng Galaxy A5x cũng được nâng cấp về dung lượng pin. Với viên pin 4500mAh mới, máy có thể trụ được gần hai ngày với mức sử dụng từ nhẹ đến trung bình. Nếu bạn sẽ dụng điện thoại nhiều, máy vẫn có thể trụ đến tối để bạn cắm sạc qua đêm. Tóm lại, thời lượng pin của Galaxy A52 sẽ không khiến bạn thất vọng.
Galaxy A52 có thể trụ được gần hai ngày với mức sử dụng từ nhẹ đến trung bình.
Với công nghệ sạc nhanh 25W, bạn có thể sạc đầy Galaxy A52 trong vòng 1 giờ 15 phút. Và với chỉ 10 phút sạc, pin đã lên được mức 20%. Ngặt nỗi là bạn chỉ nhận được củ sạc 15W trong hộp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải mất đến hơn 2 giờ để sạc đầy máy nếu bạn không có củ sạc 25W. Đây là một biện phát cắt giảm chi phí mà tôi không muốn Samsung không thực hiện. Và có phải chăng là Samsung đang hướng đến việc loại bỏ củ sạc tặng kèm trong tương lai đối với dòng Galaxy A?
Đánh giá chất lượng âm thanh của Galaxy A52
Tuy Samsung tuyên bố rằng loa kép của Galaxy A52 cho âm thanh to hơn thế hệ tiền nhiệm, nhưng tôi không nhận thấy nhiều sự khác biệt, kể cả khi đã bật Dolby Atmos. Mặc dù âm thanh không được mạnh mẽ nhưng những chiếc điện thoại flagship của Samsung, bộ loa của Galaxy A52 chắc chắn là một trong những bộ loa tốt nhất từng được trang bị trên dòng Galaxy A.
Cổng tai nghe 3.5mm vẫn hiện diễn trên Galaxy A52, nhưng bạn sẽ phải mua thêm tai nghe vì không có cái nào được tặng sẵn trong hộp. Ốp lưng cũng vậy, bạn cũng phải mua riêng. Tất cả điện thoại của Samsung trong năm nay đều không còn được tặng sẵn hai phụ kiện này. Hộp của Galaxy A72 cũng không hề có tai nghe và ốp lưng.
Tạm kết
Galaxy A52 chắc chắn là một trong những chiếc điện thoại đáng mua nhất của Samsung hiện nay. Ngoại hình và tính năng của nó đều có chất lượng rất gần với các dòng điện thoại cao cấp của Samsung. Thật tốt khi bạn vẫn có thể dùng được những công nghệ tốt nhất hiện tại với một mức giá phải chăng.
P.S.: Bạn muốn biết điều gì đó về Galaxy A52 mà chưa được đề cập trong bài đánh giá? Hãy để lại câu hỏi trong phần bình luận và tôi sẽ trả lời bạn trong thời gian nhanh nhất.
Ưu điểm
- Màn hình tuyệt vời. Tốc độ làm tươi 90Hz mang lại trải nghiệm sử dụng mượt mà.
- Hiệu năng mạnh mẽ.
- Có thể sử dụng đến hai ngày mà không cần sạc. Hỗ trợ sạc nhanh 25W.
- Camera chính có công nghệ OIS và cho ảnh đẹp trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
- Được cung cấp đến ba bản cập nhật hệ điều hành lớn.
- Loa kép cùng với công nghệ âm thanh vòm Dolby Atmos.
- Đạt chuẩn kháng bụi và nước IP67.
- Có giắc cắm tai nghe 3.5mm và khe thẻ nhớ microSD.
Nhược điểm
- Máy ảnh macro vẫn khá vô dụng.
- Loa kép có thể có âm thanh to hơn.
- Trong hộp chỉ tặng mỗi củ sạc 15W trong hộp. Tai nghe không được tặng kèm.
- Khe SIM dạng lai. Bạn không thể dùng hai SIM và thẻ nhớ cùng lúc.