Samsung Electronics đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc bộ phận kinh doanh TV trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc đang làm lung lay vị thế số một toàn cầu suốt 19 năm qua. Đây là lần đầu tiên mảng TV của Samsung rơi vào tình trạng “quản lý khẩn cấp”.
Theo các nguồn tin trong ngành, bộ phận Visual Display (VD) phụ trách mảng TV của Samsung đã bắt đầu thực hiện các cuộc phỏng vấn nội bộ nhằm tái cơ cấu tổ chức. Trên cơ sở kết quả phỏng vấn, một số nhân sự sẽ được điều chuyển sang các bộ phận khác như một bước đi chiến lược nhằm tăng hiệu quả vận hành và định hình lại danh mục kinh doanh.
Dự báo cho quý II tiếp tục không mấy khả quan. Sau khi lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng, tình hình quý này thậm chí còn ảm đạm hơn. Theo phân tích từ Hyundai Motor Securities, lợi nhuận hoạt động của mảng VD trong quý II có thể chỉ đạt khoảng 113 tỷ won, giảm gần 48% so với quý I và hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần nguyên nhân đến từ các mảng kinh doanh chi phí cao như micro LED, vốn được kỳ vọng sẽ thay thế OLED trong tương lai. Dù đã được đầu tư lớn, công nghệ này vẫn gặp khó khăn vì chi phí sản xuất đắt đỏ và tỷ lệ thành phẩm thấp, chưa thể mở rộng thị phần đáng kể.
Thay vì tiếp tục dàn trải, Samsung được cho là sẽ dồn lực vào các dòng sản phẩm cao cấp với màn hình lớn và phân khúc TV OLED chuyên game, những mảng vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt trong khi thị trường chung đang chững lại.
Tuyên bố chuyển sang chế độ “quản lý khẩn cấp” được Samsung đưa ra vào tháng 5 như một phản ứng trước sức ép ngày càng lớn từ các đối thủ Trung Quốc. Báo cáo từ Omdia cho thấy thị phần toàn cầu của Samsung trong lĩnh vực TV đã giảm xuống còn 28,3% vào năm ngoái, lần đầu tiên rơi dưới ngưỡng 30%. Khoảng cách với các hãng Trung Quốc đang thu hẹp đáng kể.
Trung Quốc không chỉ chiếm lĩnh thị trường tầm trung bằng chiến lược đánh mạnh vào số lượng mà còn đang lấn sân sang phân khúc cao cấp. Số liệu từ Counterpoint Research cho thấy trong quý I năm nay, thị phần TV cao cấp của Samsung chỉ còn 28%, trong khi Hisense của Trung Quốc đạt 20%, thu hẹp khoảng cách từ 25 điểm phần trăm năm ngoái xuống còn 8 điểm.
Trong khi Samsung đặt cược vào OLED, các hãng Trung Quốc lại tận dụng công nghệ mini LED dựa trên tấm nền LCD để cạnh tranh về giá thành. Chiến lược này tỏ ra hiệu quả khi mini LED phát triển mạnh mẽ nhờ mức giá dễ tiếp cận và kích thước màn hình lớn. Dự báo từ TrendForce cho thấy doanh số TV mini LED toàn cầu trong năm nay có thể tăng 50% lên 11,56 triệu chiếc, trong khi TV OLED chỉ tăng nhẹ 7,1% lên 6,79 triệu chiếc.
Một chuyên gia trong ngành nhận định: “Cả các hãng Hàn và Trung đều đang dồn lực vào phân khúc cao cấp để vượt qua sự trì trệ chung của thị trường TV. Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế kiểm soát giá LCD, khiến TV mini LED có giá cạnh tranh hơn đáng kể, trong khi giá TV OLED vẫn khó giảm, tạo áp lực lớn cho các hãng Hàn.”
Về phần mình, đại diện Samsung Electronics cho biết các cuộc phỏng vấn và điều chuyển nhân sự đang được tiến hành đồng loạt ở nhiều bộ phận, không riêng gì mảng TV. Đây là một phần trong chiến lược điều chỉnh tổ chức linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường.