Tuy có mức giá phải chăng, chiếc máy này vẫn sở hữu một vài điểm nhấn ấn tượng như màn hình 90Hz và viên pin khủng 6000mAh.
Hai năm trước là thời điểm Samsung giới thiệu dòng điện thoại Galaxy M. Đây là dòng máy giá rẻ nhất của họ, cho nên thông số kỹ thuật của những chiếc điện thoại thuộc dòng này không được ấn tượng cho lắm. Nhưng Galaxy M12 lại là một câu chuyện khác. Tuy có mức giá phải chăng, chiếc máy này vẫn sở hữu một vài điểm nhấn ấn tượng như màn hình 90Hz và viên pin khủng 6000mAh.
Các thông số khác của Galaxy M12 thì không có gì đặc biệt. Màn hình của máy có tốc độ làm tươi 90Hz nhưng dùng công nghệ LCD và chỉ có độ phân giải HD+. Máy được trang bị đến bốn camera sau: camera chính có độ phân giải 48MP cùng với camera góc siêu rộng, macro, và đo độ sâu trường ảnh. Ngoài camera chính, ba camera còn lại có độ phân giải không cao.
Về phần mềm, máy chạy bản Core của One UI 3.1. Hầu hết các tính năng làm nên tên tuổi của One UI đã bị Samsung loại bỏ trong bản Core. Và cuối cùng, Galaxy M12 chỉ dùng vi xử lý Exynos 850 cấp thấp.
Vậy liệu bạn có nên mua Galaxy M12? Hãy cùng SamCafe tìm hiểu trong bài viết này.
Đánh giá thiết kế của Galaxy M12
Thiết kế của các điện thoại dòng Galaxy M thường tỉ lệ nghịch với thông số cấu hình. Lấy Galaxy M31s và M51 làm ví dụ. Hai chiếc điện thoại này có cấu hình rất ấn tượng nhưng lại có thiết kế đơn giản và nhàm chán. Đối với những thiết bị dòng Galaxy M không có thông số khủng, Samsung tập trung nhiều hơn vào khâu thiết kế bên ngoài. Và Galaxy M12 chính là một ví dụ điển hình.
Mặt sau của Galaxy M12 trông khá sang trọng. Phần dưới của mặt sau được Samsung trang trí với những đường họa thiết chạy chéo thân máy, và đây cũng là nơi họ đặt logo. Không những thế, chiếc điện thoại này còn mang lại một cảm giác cầm nắm tuyệt vời.
Galaxy M12 có mặt sau trông khá sang trọng.
Galaxy M12 khá nặng, lên đến 221g. Nhưng đổi lại, bạn có thể thoải mái dùng chiếc điện thoại này trong vòng hai ngày mà không cần sạc. Không giống như mặt sau, mặt trước của máy có viền màn hình khá dày, nhìn trông rất lỗi thời. Nhưng chúng ta cũng không thể đòi hỏi nhiều ở một chiếc điện thoại giá rẻ như thế này. Máy có cảm biến vân tay được tích hợp vào nút nguồn. Nó phản hồi rất nhanh, độ chính xác cũng cao.
Về phụ kiện, bạn sẽ nhận được một củ sạc 15W và một dây cáp có một đầu Type-A và một đầu Type-C. Điều đó có nghĩa là bạn phải mua thêm ốp lưng và tai nghe nếu cần.
Đánh giá màn hình của Galaxy M12
Tốc độ làm tươi 90Hz là điểm mạnh duy nhất của màn hình Galaxy M12. Các thông số khác như độ phân giải, khả năng hiển thị màu sắc, độ sáng đều trông rất bình thường trong tầm giá. Lúc đầu, tôi nghĩ con chip Exynos 805 sẽ không thể gánh nổi một màn hình 90Hz. Nhưng tôi đã nhầm. Galaxy M12 thậm chí còn mượt mà hơn Galaxy A32, vốn có mức giá cao hơn gần gấp đôi.
Tuy nhiên, hoạt cảnh của khu vực thông báo và khu vực thiết lập nhanh bị khóa ở mức 60Hz không rõ lý do. Ngoài ra, máy cũng sẽ tự chuyển về 60Hz khi bạn dùng tính năng Picture-in-Picture và khi bạn hiển thị ứng dụng và giao diện hệ thống cùng lúc.
Galaxy M12 cung cấp trải nghiệm sử dụng mượt mà trong hầu hết các trường hợp sử dụng.
Nguyên nhân có thể là do Galaxy M12 chỉ có màn hình HD+, cho nên GPU của máy không phải xử lý quá nhiều. Tôi thật sự rất bất ngờ khi thấy Exynos 850 đảm nhiệm nhiệm vụ của nó tốt đến như vậy. Nhưng ngoài tần số quét 90Hz, mọi thông số khác của tấm màn này đều rất tầm thường. Nhưng ta cũng không thể đòi hỏi gì thêm ở một chiếc điện thoại chỉ có mức giá $149 (3.439.000 VND).
Đánh giá camera của Galaxy M12
Camera chính 48MP của máy cho ra ảnh khó rõ nét trong môi trường nhiều ánh sáng. Nếu chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, ảnh sẽ bị nhiễu và tối. Và máy cũng không hề có chế độ Ban đêm. Về các chế độ chụp, ứng dụng camera mặc định có rất ít. Ngoài chế độ chụp mặc định thì chỉ còn Chuyên nghiệp, Toàn cảnh, Chân dung, và Thức ăn.
Camera góc siêu rộng 8MP khá tệ. Hình ảnh cho ra có một lớp sương mờ ngay cả khi chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Khả năng tái tạo màu sắc cũng không được chính xác lắm. Trong điều kiện thiếu sáng, ảnh cho ra bị nhiễu hạt nặng và có độ tương phản rất kém.
Nhờ camera đo độ sâu trường ảnh, khả năng xóa mờ hậu cảnh khi chụp chân dung của máy khá ổn. Nhưng camera macro có độ phân giải quá thấp. Vì vậy, bạn cũng đừng quá trông mong vào những bức ảnh chụp bằng camera này. Camera selfie tái tạo màu da khá chính xác, nhưng độ chi tiết không được tốt lắm.
Máy có khả năng quay video có độ phân giải tối đa là Full HD với 30 khung hình / giây. Video cho ra bị rung nhòe với chỉ với một chút chuyển động khi quay do không có công nghệ OIS (ổn định hình ảnh quang học).
Đánh giá hiệu năng của Galaxy M12
Như đã nói trong phần đánh giá màn hình, Galaxy M12 hoạt động khá mượt mà. Exynos 850 đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của nó. Điều này hoàn toàn trái ngược với Galaxy A21s năm ngoái, vốn cũng sử dụng con chip này nhưng hiện tượng giật lag lại xảy ra thường xuyên.
Galaxy mang lại cho bạn một trải nghiệm mượt mà trong tầm giá.
Nhưng hiệu năng khi chơi game thì lại là câu chuyện khác. Bạn chỉ có thể chơi mượt mà các tựa game nặng như Call of Duty hay Asphalt 9 ở mức đồ họa thấp nhất. Nhưng như vậy cũng đã ổn rồi. Trong tầm giá rẻ này, bạn không nên mong đợi quá nhiều vào hiệu năng của các dòng điện thoại Galaxy. Tóm lại, Galaxy M12 không phải là chiếc điện thoại dành cho game thủ.
Đánh giá phần mềm của Galaxy M12
Galaxy M12 được cài sẵn One UI Core 3.1 trên nền Android 11 ngay từ khi bán ra. Vì chỉ dùng phiên bản Core của One UI nên máy không có nhiều tính năng. AOD (Always-On Display), Samsung Pay, Bixby, Thư mục bảo mật, Trình ghi màn hình,… đều không hề xuất hiện trên chiếc điện thoại này. Máy chỉ cung cấp cho bạn các tính năng cơ bản như Chế độ một tay, Dual Messenger, Game Launcher, Quick Share, Lift to Wake, Chạm hai lần để mở màn hình,…
Galaxy M21 có lẽ chỉ nhận được hai bản cập nhật hệ điều hành tương tự như những thiết bị thuộc dòng Galaxy M trước đây. Bạn cũng đừng mong đợi những bản cập nhật đó sẽ bổ sung thêm nhiều tính năng mới.
Đánh giá thời lượng sử dụng của Galaxy M12
Do Exynos 850 không mạnh lắm mà máy lại sở hữu viên pin có dung lượng lên đến 6000mAh nên bạn có thể thoải mái dùng Galaxy M12 trong hai ngày mà không cần cắm sạc. Nếu bạn sử dụng điện thoại nhiều, máy vẫn có thể dễ dàng trụ được trọn vẹn một ngày. Nếu thời lượng sử dụng là tiêu chí quan trọng đối với bạn, Galaxy M12 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Tuy nhiên, máy chỉ hỗ trợ sạc nhanh tối đa 15W. Vì vậy, Galaxy M12 cần sạc liên tục trong vòng khoảng 2 giờ 45 phút để làm đầy pin từ mức 0%.
Đánh giá chất lượng âm thanh của Galaxy M12
Cũng giống như mọi điện thoại tầm trung và giá rẻ của Samsung, loa Galaxy M12 cho âm lượng khá nhỏ. Chỉ với một vài tạp âm cũng có thể khiến bạn phải căng tai lên để nghe rõ những gì máy đang phát ra. Hơn nữa, Galaxy M12 không hề có tai nghe tặng kèm trong hộp nên bạn sẽ phải mua riêng. Bù lại, máy vẫn hỗ trợ công nghệ âm thanh vòm Dolby Atmos.
Tạm kết
Galaxy M21 đã khiến tôi ngạc nhiên ngay từ những giây phút đầu tiên sử dụng chiếc máy này. Tuy chất lượng màn hình khá tầm thường, máy mang lại một trải nghiệm sử dụng mượt mà nhờ màn hình 90Hz và Exynos 850 trong hầu hết các trường hợp sử dụng.
Ngoài ra, thời lượng sử dụng pin của Galaxy M12 là cực kỳ tuyệt vời. Camera chính cho ra hình ảnh có chất lượng tốt trong điều kiện đủ sáng. Bạn cũng được sử dụng phiên bản One UI mới nhất ngay từ khi mở hộp, tuy tính năng đi kèm không được nhiều.
Tóm lại, trong tầm giá từ 3 đến 4 triệu, Galaxy M12 thực sự là một sự lựa chọn tuyệt vời. Còn ý kiến của bạn thì sao? Bạn nghĩ chiếc điện thoại này có đáng mua không? Hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận.
Ưu điểm
- Màn hình 90Hz cho trải nghiệm sử dụng mượt mà.
- Thời lượng pin tuyệt vời.
- Camera chính cho ảnh chất lượng tốt trong điều kiện đủ sáng.
- Hiệu năng sử dụng tốt.
- Thiết kế sang trọng.
- Được cài đặt sẵn One UI Core 3.1 trên nền Android 11 ngay từ khi bán ra.
Nhược điểm
- Màn hình chỉ có chất lượng hiển thị ở mức trung bình.
- Ứng dụng camera mặc định có ít chế độ.
- Chất lượng ảnh cho ra tệ trong điều kiện thiếu sáng. Không có Chế độ chụp đêm.
- Camera macro không được hữu dụng cho lắm.
- Loa cho âm lượng nhỏ.
- Chạy bản Core của One UI nên không có nhiều tính năng.