Hiện nay, những chiếc điện thoại đến từ Trung Quốc thường được in nhãn hiệu của một nhà sản xuất máy ảnh danh tiếng nào đó gần cụm camera sau. Mục đích của hành động này là để khiến cho người tiêu dùng nghĩ rằng hệ thống camera của những thiết bị này được thiết kế bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Trên thực tế, mối quan hệ hợp tác này tồn tại chủ yếu phục vụ cho mục đích tiếp thị và quảng cáo.
Hãy lấy Huawei làm ví dụ. Camera trên các dòng điện thoại cao cấp của họ thường mang nhãn hiệu Leica, vốn là một hãng rất phổ biến trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Khả năng chụp ảnh của những thiết bị do Huawei sản xuất phải nói là cực tốt, đôi khi còn được cho là còn vượt mặt cả những thiết bị cao cấp đến từ nhà Samsung. Nhưng ít ai biết rằng Leica đóng góp khá ít vào những thành tựu này.
Cái mà người ta gọi là ống kính Leica thực ra không phải do họ sản xuất. Trên thực tế, Leica không hề có bất kỳ dây chuyền chế tạo ống kính dành cho điện thoại nào. Thay vào đó, những ống kính mang nhãn hiệu Leica được một bên thứ ba sản xuất theo bản thiết kế do Huawei và Leica cung cấp.
OnePlus hiện đang đi theo một chiến lược tương tự với OnePlus 9 bằng cách hợp tác với Hasselblad. Đây là một nhà sản xuất máy ảnh, ống kính, và máy quét đến từ Thụy Điển. Tuy vậy, Hasselblad sẽ không tham gia vào việc cải thiện hệ thống ống kính. Thay vào đó, họ chỉ cung cấp kiến thức về thẩm mỹ nhiếp ảnh truyền thống của họ. Phần cứng vẫn sẽ do OnePlus đảm nhiệm hoàn toàn.
Mặc dù OnePlus tuyên bố rằng mối quan hệ này sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, nhưng chả ai biết chính xác liệu điều này có ý nghĩa như thế nào đối với người dùng cuối.
Thực ra, Samsung cũng từng thực hiện nhuần nhuyễn chiến lược này, nhưng là ở mảng âm thanh. Câu khẩu hiệu “được tinh chỉnh bởi AKG” được sử dụng lặp đi lặp lại cho các dòng tai nghe của họ không có nhiều ý nghĩa ngoài phục vụ cho mục đích tiếp thị.
Những người thực sự am hiểu về âm thanh thường sẽ không nhìn vào những khẩu hiệu như trên mà dự đoán chất âm của một tai nghe. Dù vậy, công bằng mà nói, các tai nghe mới ra mắt gần đây của Samsung vẫn là một trong những sự lựa chọn tốt nhất trong tầm giá.
AKG là một công ty con của Harman, cả hai đều được sở hữu bởi Samsung. Trong khi đó, OnePlus và Huawei không hề sở hữu Leica hay Hasselblad. Nói cách khác, bản chất của các mối quan hệ này là rất khác nhau. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là sử dụng thương hiệu nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó trên các dòng điện thoại thông minh nhằm mục đích tiếp thị.
Liệu Samsung có nên làm điều tương tự? Hay họ nên tiếp tục cải thiện hình ảnh thương hiệu của chính mình?
Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao Samsung không thực hiện chiến lược này ở mảng nhiếp ảnh di động, giống như các nhà sản xuất điện thoại khác đã và đang làm? Bởi vì như bạn có thể thấy, dù chất lượng hình ảnh cho ra có được cải thiện hay không, sự hợp tác này vẫn sẽ có lợi ở mặt tiếp thị.
Khác với Huawei hay OnePlus, Samsung có thể tự sản xuất cảm biến ảnh di động của riêng họ, có tên là ISOCELL. Không dừng lại ở đó, Samsung còn đang tự sản xuất được cả ống kính. Trong khi các đối thủ lại phải sử dụng cảm biến do Sony hay thậm chí là Samsung sản xuất.
Do vậy, việc Samsung hợp tác với một nhà sản xuất máy ảnh nào đó sẽ mang đến tác động tiêu cực cho hoạt động kinh doanh máy ảnh của chính họ. Nói một cách đơn giản, ngoài lĩnh vực điện thoại thông minh, Samsung còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác. Việc từ bỏ thương hiệu của bản thân để tiếp thị cho hãng khác hoàn toàn không phải là một nước đi hay.
Tóm lại, lý do chính khiến cho các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc muốn hợp tác với các thương hiệu máy ảnh là vì muốn mượn danh tiếng của nhà sản xuất máy ảnh. Hơn nữa, họ cũng không hề đầu tư vào việc sản xuất hệ thống camera di động như Samsung. Điều này khiến cho họ tự do hơn trong việc hợp tác, mượn danh tiếng của hãng khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, Samsung vẫn không ngừng cải thiện hình ảnh thương hiệu của họ trong ngành nhiếp ảnh di động. Do vậy, họ sẽ không mượn danh tiếng của hãng khác để tiếp thị sản phẩm của bản thân trừ khi hãng đó chính là công ty con của họ, như trường hợp của Harman và AKG.