Bất cứ khi nào bạn nghĩ đến việc mua một chiếc điện thoại mới, trước hết hãy nghĩ đến vòng đời của thiết bị. Điện thoại của mỗi công ti được sản xuất dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và phần cứng khác nhau, từ đó tuổi thọ của cũng thiết bị không giống nhau. Sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn thường được kì vọng có vòng đời thiết bị lâu hơn.
Samsung được biết đến là công ti sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Chất lượng các thiết bị Galaxy được xếp vào hàng tốt nhất. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn đến vòng đời thiết bị. Trong bài viết này, hãy cùng SamCafe tìm hiểu chúng là gì cũng như tuổi thọ trung bình của một thiết bị Galaxy điển hình.
Tuổi thọ điện thoại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cách bạn sử dụng chúng cũng như thời lượng bạn sử dụng thiết bị hàng ngày. Vì thế, vòng đời điện thoại Galaxy có thể dài ngắn khác nhau ở mỗi người. Nói cách khác, rất khó để có câu trả lời chính xác.
Nếu bạn sử dụng điện thoại nhiều, viên pin bên trong sẽ nhanh chóng xuống cấp bởi vì chúng có số lần sạc nhất định. Ngược lại, nếu bạn sử dụng điện thoại ít, tuổi thọ trung bình của nó sẽ tăng lên.
Samsung sản xuất điện thoại ở mọi phân khúc. Trong khi dòng Galaxy S đánh vào phân khúc cao cấp, dòng Galaxy M, F và A thì đánh vào phân khúc bình dân, giá rẻ và tầm trung. Do sự chênh lệch lớn về giá cả, các thiết bi Galaxy có tuổi thọ rất khác nhau.
Rõ ràng, chất lượng của các mẫu điện thoại giá rẻ sẽ không thể nào bằng các mẫu cao cấp. Tuổi thọ pin của điện thoại giá rẻ là khoảng ba đến bốn năm với nhu cầu sử dụng bình thường. Mặt khác, các thành phần như cảm biến vân tay, nút nguồn, nút tăng giảm âm lượng,… có thể gặp trục trặc hàng năm mặt dù tuổi thọ dự kiến lên đến 4 – 5 năm. Ngoài ra, thời gian hỗ trợ nâng cấp hệ điều hành cũng chỉ khoảng hai năm.
Bên cạnh đó, sau khoảng năm năm, nếu thiết bị bị hư hỏng, bộ phận thay thế rất có thể sẽ không có sẵn. Điều này khiến khả năng sửa chữa sau chừng ấy thời gian gần như bằng không.
Các dòng điện thoại cao cấp của Samsung là Galaxy S và Galaxy Note. Gần đây còn có thêm sự góp mặt của dòng Galaxy Z. Bên cạnh thiết kế được chú trọng, công ti còn sử dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng thiết bị cũng từ đó mà tăng lên. Vì lí do này, chi phí sửa chữa của những điện thoại cao cấp thường khá đắt đỏ. Bù lại, tuổi thọ của chúng cao hơn nhiều so với các mẫu giá rẻ.
Toàn bộ linh kiện được sử dụng trong các mẫu cao cấp đều có chất lượng vượt trội. Những thành phần dễ hư hỏng nhất như cảm biến vân tay, nút tăng giảm âm lượng, nút nguồn, cổng sạc, camera,… cũng sẽ hoạt động lâu dài ngay cả với cường độ sử dụng cao. Chất lượng pin cũng được xếp vào hàng tốt nhất với tuổi thọ lên đến bốn năm.
Vì thế, vòng đời của một chiếc điện thoại cao cấp thường kéo dài đến 6 – 7 năm. Và thậm chí sau chừng ấy thời gian, việc sửa chữa cũng sẽ không phải là vấn đề khi các linh kiện thay thế có thể dễ dàng được tìm thấy.
Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta có thói quen sử dụng điện thoại khác nhau. Và hơn hết, chúng ta còn “phân biệt đối xử” giữa điện thoại giá rẻ và cao cấp. Chúng ta thường giữ gìn những chiếc điện thoại cao cấp kĩ hơn, trang bị đầy đủ “phụ tùng” cho thiết bị, từ ốp lưng, dán màn hình,… Những chiếc điện thoại giá rẻ thường không được nâng niu như vậy. Tất cả những nỗ lực này sẽ làm tăng vòng đời sản phẩm lên một cách đáng kể.